Một số tác dụng phụ của các thuốc điều trị bệnh lao

Một số tác dụng phụ của các thuốc điều trị bệnh lao

Bài viết bởi Dược sĩ Hoàng Nguyễn Kim Thoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trong công cuộc đấu tranh với bệnh lao qua nhiều thế kỷ, một trong những khó khăn là số lượng thuốc kháng lao hạn chế trong khi tác dụng xảy ra khá thường xuyên. Mặc dù thường gặp, không phải bệnh nhân nào cũng gặp những tác dụng phụ này. Tỷ lệ tác dụng phụ thường gặp có thể dao động >1% tới >10%.

1. Giới thiệu về thuốc điều trị lao và các tác dụng phụ thường gặp

Trong phạm vi bài này giới thiệu về tác dụng phụ thường gặp của một số thuốc điều trị lao phổ biến (thuốc điều trị lao thiết yếu – thuốc điều trị lao hàng 1). Bao gồm: Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S), Ethambutol (E).

Isoniazid được xếp là một trong những thuốc kháng lao mạnh nhất. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm viêm gan, viêm dây thần kinh ngoại vi và các tác dụng trên tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau thượng vị.

Yếu tố nguy cơ xuất hiện tổn thương gan do isoniazid bao gồm nghiện rượu, suy dinh dưỡng, tiểu đường, tiền sử tổn thương gan, suy thận, cao tuổi. Tỷ lệ mắc viêm gan do isoniazid thấp nhất ở bệnh nhân trẻ hơn 20 tuổi và cao nhất ở bệnh nhân uống rượu hàng ngày và từ 35 tuổi trở lên. Viêm dây thần kinh ngoại biên là tác dụng bất lợi thường gặp nhất ở bệnh nhân kém dinh dưỡng và bệnh nhân nghiện rượu, tiểu đường.

Bệnh lao phổi: Tiêm phòng rồi có bị lây nữa không?

Rifampicin là một trong những thuốc chống lao quan trọng nhất hiện nay và dung nạp tốt ở hầu hết bệnh nhân với liều khuyến cáo, chỉ gây tác dụng bất lợi trên khoảng 4% bệnh nhân. Khi dùng thuốc, nước tiểu và các dịch tiết của cơ thể (như mồ hôi, nước bọt, nước mắt…) có thể có màu đỏ nâu hoặc da cam nhưng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người bệnh. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa bao gồm buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ợ chua, đầy hơi nhưng thường nhẹ. Khi kết hợp isoniazid và rifampicin có thể tăng nguy cơ tổn thương gan.

Ethambutol rất ít gây các tác dụng không mong muốn. Tác dụng không mong muốn thường gặp là tăng acid uric máu, nhất là trong 2 tuần đầu, có thể có sốt, đau khớp. Tác dụng nghiêm trọng nhất của ethambutol là viêm dây thần kinh thị giác, mất khả năng phân biệt màu xanh – đỏ, giảm thị lực có thể xảy ra ở 1-6% bệnh nhân. Tác dụng phụ này có vẻ phụ thuộc vào liều.

Streptomycin

Pyrazinamid có thể gây độc cho gan và phụ thuộc vào liều dùng. Ngoài ra, tăng acid uric huyết với đau các khớp cũng thường gặp.

Streptomycin là các thuốc kháng lao dùng đường tiêm. Tác dụng phụ bao gồm các phản ứng tại chỗ như đau tại nơi tiêm, kích ứng, chảy máu, chai cứng hay hoại tử mô mỡ dưới da tại nơi tiêm, áp xe vô khuẩn tại nơi tiêm. Ngoài ra giảm thính lực, ban da, mày đay, dị cảm mặt cũng có thể được ghi nhận

2. Làm thế nào khi gặp tác dụng phụ của thuốc điều trị lao?

Việc tuân thủ thuốc điều trị lao rất quan trọng, quyết định sự khỏi bệnh. Không nên tự ý ngừng các thuốc điều trị lao, đặc biệt với tác dụng phụ nhẹ, có thể chấp nhận được (ví dụ đầy hơi, ợ chua, buồn nôn nhẹ). Nên thông báo với bác sĩ và nhân viên y tế trong những lần thăm khám về các khó chịu của mình để được tư vấn và điều chỉnh phù hợp. Khi gặp những khó chịu nặng nề (ví dụ nôn nhiều, nôn ra máu, mệt mỏi, chán ăn, vàng da vàng mắt, giảm thị lực, thính lực vv…), cần đến ngay cơ sở y tế theo dõi và điều trị lao hiện tại để thăm khám và điều trị

Uống thuốc

3. Làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ do thuốc điều trị lao

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tuân thủ điều trị và thăm khám thường xuyên là điều quan trọng nhất để giảm thiểu tác dụng phụ do thuốc điều trị lao. Không nên sử dụng rượu bia hoặc kiêng ăn trong thời gian sử dụng thuốc. Không nên bỏ các thuốc điều trị mạn tính khác (ví dụ: thuốc tiểu đường). Trao đổi với bác sĩ khi cần sử dụng thêm các thuốc (kể cả các thuốc giảm đau chống viêm không cần kê đơn) do các thuốc điều trị lao có thể tương tác với nhiều loại thuốc và tăng nguy cơ tác dụng không mong muốn. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ theo dõi tác dụng phụ và đáp ứng điều trị của từng người bệnh. Do đó, việc tái khám theo hẹn và khám định kỳ theo đúng lời dặn của bác sĩ rất quan trọng, giúp hạn chế tác dụng phụ và mức độ nghiêm trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *